“Chạy đua” giữ chân công nhân giỏi In
Thứ năm, 13 Tháng 10 2011 15:10

Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức thu nhập cao để thu hút công nhân có tay nghề, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Việc tuyển dụng, tìm kiếm lao động có tay nghề may mặc vốn đã trở nên khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi VN đang cận kề “cánh cửa” Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo dự báo của các chuyên gia ngành may, trong vài tháng tới, vấn đề lao động cho ngành may mặc sẽ rất “nóng” và doanh nghiệp ngành may mặc sẽ phải cạnh tranh gay gắt trong việc tuyển dụng công nhân có tay nghề.

Bà Tạ Thị Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức (Công ty May xuất khẩu Tân Phú Cường, TP.HCM), cho biết, mặc dù đã ổn định hơn so với thời điểm đầu năm, nhưng với quy mô sản xuất hiện tại, công ty vẫn thiếu 20-30% lao động.

Tuy đã ra sức tuyển dụng, song nhà sản xuất vẫn khó có thể lấp được lỗ hổng, trong khi đối tác lại e ngại sự bất ổn về lao động sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đơn hàng nên chưa ký hợp đồng. Số công nhân mới tuyển vào hầu hết chưa có tay nghề, nên phải mất thời gian đào tạo, nhưng sau một thời gian làm việc, nếu thấy công việc khác có thu nhập cao hơn, họ lại tự ý xin nghỉ, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Không chỉ thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao, mà ngay cả lao động phổ thông cũng bị mất cân đối trầm trọng, do sự biến động và chuyển dịch lao động tăng cao. Từ đó dẫn tới cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức thu nhập cao để thu hút công nhân có tay nghề, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất trong nước, bởi đơn hàng ít mà vẫn phải “chạy đua” trong việc trả lương để giữ chân công nhân.

Mặc dù rất cố gắng cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, áp dụng mọi chế độ chính sách và nâng cao đời sống cho công nhân, nhằm củng cố và giữ vững lực lượng lao động lành nghề hiện có, nhưng tình hình khan hiếm lao động trong ngành may mặc vẫn ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân là do sự chuyển dịch lao động từ ngành may mặc sang các ngành công nghiệp khác có thu nhập cao hơn.

Để thu hút lao động, Công ty Tân Phú Cường đã mạnh dạn đầu tư thiết bị và liên kết với các đơn vị đào tạo tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) mở trung tâm đào tạo, dạy nghề miễn phí cho người lao động tại đây. Tính đến nay, Tân Phú Cường đã đào tạo thành công 4 khóa học, đưa tổng cộng trên 100 lao động về làm việc tại công ty.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Giám đốc Tân Phú Cường, để thu hút lực lượng lao động đi học may và có trách nhiệm sau đào tạo, doanh nghiệp không nên thụ động ngồi chờ công nhân, mà phải biết liên kết, đầu tư thiết bị cho các đơn vị đào tạo địa phương vùng sâu, vùng xa - nơi có nguồn lao động dồi dào. Sau đó, nhà sản xuất phải tự bỏ kinh phí để dạy nghề miễn phí cho số lao động này.

Tuy nhiên, để đảm bảo, nhà sản xuất phải ký thỏa thuận ràng buộc với gia đình người lao động, cũng như trung tâm đào tạo. Nếu người lao động tự ý bỏ doanh nghiệp đi làm việc nơi khác khi chưa hết thời hạn hợp đồng hoặc sau khi đào tạo xong sẽ phải bồi thường khoản học phí do nhà sản xuất đầu tư.

Hơn bao giờ hết, tình trạng khan hiếm lao động đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp ngành may, nhất là những đơn vị có quy mô vừa và nhỏ. Tổng giám đốc Công ty Dệt may Song Ngọc, ông Nguyễn Đức Hoan cho biết, đã có nhiều xí nghiệp may mặc di chuyển từ TP.HCM ra các tỉnh, thành phố khác, nhằm tận dụng nguồn nhân lực. Vì thế, công nhân cũng không mấy thiết tha vào thành phố làm việc, do vật giá tăng cao. Nhất là từ khi xăng dầu tăng giá, giá thành hàng hóa, tiền nhà trọ, tiền điện, nước đều tăng “chóng mặt”.

“Trong khi đó, đơn giá gia công vẫn giữ mức cũ, nên công ty Song Ngọc rất khó nâng lương cho công nhân. Từ đầu năm nay đến nay, công ty đã đưa ra nhiều ưu đãi, song cũng chỉ tuyển được 15 người, và sau 1 tháng có đến 10 người xin nghỉ việc, dẫn tới sản xuất của công ty bị đình trệ, ảnh hưởng đến đơn hàng. Thậm chí, nhiều lúc công ty phải bồi thường thiệt hại, do giao hàng không đúng thời hạn như đã ký trong hợp đồng”, ông Hoan phàn nàn và cho rằng, tình trạng thiếu lao động kéo dài sẽ dẫn tới việc mất uy tín với đối tác và mất luôn cả đơn hàng xuất khẩu cho mùa vụ năm sau.

Đặc biệt, khi VN gia nhập WTO, sự cạnh tranh thu hút khách hàng ngày càng khó khăn. Trong khi đó, các khách hàng rất chú trọng đến tình hình lao động sản xuất ở các xí nghiệp, nhất là các đối tác Mỹ, Liên minh châu Âu luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo tính ổn định về nhân sự.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP.HCM (Agtek) Diệp Thành Kiệt cho biết, chất lượng nguồn nhân lực ngành may của VN hiện còn yếu kém. Các công ty may VN đang sử dụng nguồn lao động không qua trường lớp chuyên nghiệp.

Để cải tạo, mới đây, một số hội viên của Agtek đã thành lập Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực dệt may quốc tế (IGTC), nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ điều hành. IGTC tập trung đào tạo ngắn hạn các khóa quản đốc xưởng cắt, may, trưởng phòng kỹ thuật, chuyên viên bán hàng…

Theo Đầu tư