Cách xử lý vết là quần áo bị vàng, bóng In
Thứ hai, 29 Tháng 8 2011 13:07

Khi là quần áo, đôi khi do sơ ý bạn để lại một vài vết vàng hoặc bóng làm giảm tính thẩm mỹ của trang phục. Dưới đây xin giới thiệu cách xử lý những vết này.

1- Hàng dệt bằng sợi bông khi là bị vàng, có thể rắc một ít muối mịn, vò nhẹ, đem phơi nắng một lát rồi giặt bằng nước sạch.

2- Nếu là hàng tơ lụa thì dùng ít cacbonat natri hòa với nước thành dạng hồ. Sau đó bôi lên vết cháy và lót một mảnh vải ướt để tiếp tục là. Cách làm này có thể loại trừ được vết cháy vàng.

3- Áo bằng sợi hóa học sau khi bị là vàng, phải nhanh chóng phủ khăn mặt ướt lên rồi là lại.

Nếu là quần áo bị bóng thì phun nước lên, sau đó gập lại, mười phút sau mở ra, vết bóng sẽ biến mất. Hoặc lấy một miếng vải ướt phủ lên chỗ đó rồi dùng bàn là ủi lại lần nữa.

Mẹo chống nhàu quần áo

Để tiết kiệm thời gian là, bạn có thể giữ quần áo không nhàu bằng cách phơi ngay sau khi giặt, treo lên mắc để giữ dáng áo, dùng hơi nước giữ ẩm...

Phơi ngay sau khi giặt máy

Quần áo luôn có xu hướng bị xoắn lại trong quy trình vắt khô và các nếp nhăn sẽ trở nên nặng hơn khi hết ẩm. Sau khi lấy đồ ra khỏi máy, trải những quần áo nhăn nhúm lên một mặt phẳng và lấy tay miết đều lên những vùng bị nhăn trước khi phơi. Phương pháp này không thể giúp cho quần áo phẳng lỳ nhưng dĩ nhiên là vẫn mặc được khi không còn thời gian ngắm mình trong gương nữa.

Treo đúng cách

Đừng bao giờ treo áo lên ghế ngồi làm việc. Chỉ cần ngả người là bạn vô tình làm nó nhăn nhó hoặc biến dạng.

Áo khoác, jacket và áo nỉ ngắn phải được treo trên những chiếc móc bằng gỗ dày hay móc nhựa chắc chắn vì cần giữ dáng cho phần vai. Nên dành hẳn một ngăn tủ riêng để treo những loại áo này vì chúng chiếm rất nhiều diện tích và nếu lèn quá chặt thì tự chúng sẽ làm nhăn nhúm lẫn nhau.

Đồ len và áo T-shirt tốt nhất nên gấp gọn nhưng tuyệt đối không chất đống trong tủ vì sức nặng của cái trên sẽ tạo nên những đường gập không đáng có cho cái dưới.

Áo sơ mi dễ bị nhăn hơn cả vì tính chất mềm và mỏng. Tốt nhất là treo căng chúng trên móc nhựa. Tuyệt đối tránh loại móc mềm đến èo oặt vì chúng sẽ làm hỏng dáng áo của bạn. Không treo áo quá gần nhau để khỏi tăng thêm độ nhăn cho chúng.

Quần jeans, những loại quần bằng chất liệu nặng có thể gấp lại vì độ dày của vải sẽ hạn chế các nếp nhăn. Lý tưởng nhất là treo quần bằng móc dạng kẹp. Nhớ kẹp quần theo đúng hai bên ly để nó thõng xuống một cách mềm mại.

Cẩn thận khi ngồi

Khi ngồi xuống, lấy tay vuốt nhẹ chiếc quần từ trên xuống để chắc chắn bạn đang ngồi trên mặt phẳng của chiếc quần chứ không phải ngồi trên các nếp gấp.

Dùng thuốc xịt chống nhăn

Tất nhiên đây sẽ là phương pháp nhanh nhất vì nó đi thẳng vào vấn đề. Xịt thuốc lên vải và để như thế 10 phút cho các vết nhăn duỗi dần ra. Loại thuốc xịt này có thể xịt lên các loại vải và rất tuyệt vời cho những chuyến đi chơi dài ngày.

Chống nhăn bằng hơi nước

Một công đôi việc, treo quần áo ở chỗ khô ráo nhất trong phòng tắm khi bạn tắm dưới vòi hoa sen và nước ấm. Hơi ấm từ vòi hoa sen sẽ làm cho các nếp nhăn bớt "cứng đầu" hơn.

Giặt khô

Ký gửi ở hiệu giặt khô là biện pháp cuối cùng khi tất cả những mẹo vặt trên quá rắc rối với bạn. Còn nếu không, nên đầu tư vào những loại vải dù có vò đến mấy cũng không bao giờ nhàu.

Theo Du Lịch

Mẹo phơi quần áo

Không nên phơi quần áo trong bếp vì dễ bị bắt mùi. Cũng tránh phơi trong nhà tắm lâu vì độ ẩm quá cao (nhất là hôm trời nồm, mùa đông) làm quần áo ướt thêm.

- Nên phơi đồ ngoài trời song cần chú ý: Quần áo không màu nên để chỗ nắng. Loại có màu, chất liệu như tơ tắm, sa tanh, len, sợi tổng hợp nên phơi chỗ râm để tránh phai màu.

- Nên dùng dây phơi tráng kẽm sẽ bền, cứng, loại bằng hay gỉ, bằng nhựa dễ bị khô, gãy. Khoảng cách các dây ít nhất là 1 m và cần lau dây thường xuyên.

- Không phơi trực tiếp quần áo lên dây mà hãy treo vào mắc để tránh bị bẩn và bị nhăn. Nên lộn trái quần áo và để tách ra cho mau khô.

- Tránh phơi quần áo gần máy sưởi, bếp lửa vì độ nóng sẽ làm giòn vải, giảm độ bền, thậm chí sun quần áo.

- Phơi riêng đồ ướt ít và nhiều.

(Theo Gia Đình & Xã Hội)